Thời tiết nắng mưa thất thường trong thời gian qua, nhất là đợt mưa lũ kéo dài trong những ngày đầu tháng 11 vừa qua đã khiến nhiều loại cây trồng tại Khánh Sơn bị nhiễm sâu bệnh, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân.
Nông dân thiệt hại
Với 5 ha đất canh tác, gia đình ông Hoàng Văn Tuấn (thôn Xóm Cỏ, xã Sơn Bình) mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ các loại cây trồng như: sầu riêng, hồ tiêu, cà phê, bưởi, quýt đường…Tuy nhiên thời tiết mưa nhiều trong thời gian qua đã khiến vườn cây của gia đình ông bị úng nước. Sau đó lại gặp trời nắng nên sầu riêng thì bị thối rễ, sì mủ; hồ tiêu gần đến thời điểm thu hoạch bị bệnh chết nhanh, chết chậm, quả rụng đầy gốc; bưởi, cam, quýt thì bị nấm thân… Số cây nhiễm bệnh và chết khô tăng theo từng ngày khiến ông lo lắng, đứng ngồi không yên. “Hiện tại gia đình tôi cũng chưa biết cách nào để khắc phục tình trạng sâu bệnh trên các loại cây trồng trong vườn. Tôi nghe nói có một số loại thuốc có thể cứu được cây trồng, nên đã bỏ ra 15 triệu đồng mua về điều trị, hiện tại tôi đang theo dõi xem có hiệu quả hay không. Tuy nhiên đối với tiêu và sầu riêng đã bị bệnh thì rất khó chữa. Tôi cũng mong các cơ quan chuyên môn hướng dẫn để bà con nông dân biết được loại thuốc nào có thể điều trị được bệnh cho cây, tránh mua tràn lan như bây giờ, rất tốn kém”, ông Tuấn chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ với gia đình ông Hoàng Văn Tuấn, vườn cây của hộ ông Phạm Hồng Tuyến (thôn Liên Hòa) cũng đã có hơn 20 trụ tiêu và cây sầu riêng, hàng trăm cây bơ bút bị chết, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Ông Tuyến cho biết: “Sau khi mưa mà nắng lên là cây chết khô hết. Nếu cứ nắng mưa thất thường thì số cây bị chết trong vườn nhà tôi sẽ còn tăng lên. Gia đình tôi không biết cách nào để điều trị nên phải chấp nhận chặt bỏ cây bị bệnh để trồng cây mới. Hiện tại vườn nhà tôi có 500 trụ tiêu. Trong thời gian tới tôi dự định chuyển một số diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng tiêu. Dự kiến khi đó cây tiêu sẽ tăng lên khoảng 1.000 trụ. Tuy nhiên trước tình hình như hiện nay, mong muốn cơ qan chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh để chúng tôi yên tâm canh tác”.
Theo ông Lê Anh Quang, cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình, trên địa bàn xã có đến 90% hộ gia đình trồng cây ăn quả và cây công nghiệp. Hiện nay, hầu hết các hộ gia đình đều có cây trồng bị chết do ảnh hưởng thời tiết, gây ra thiệt hại rất lớn cho bà con.
Theo khảo sát ban đầu của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Khánh Sơn, hiện nay tình trạng ngập úng, sâu bệnh trên cây trồng đã xảy ra tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Ông Phạm Hữu Cầu, cán bộ khuyến nông xã Sơn Trung cho biết, mặc dù hiện tại trên địa bàn xã chưa có thiệt hại đáng kể về cây sầu riêng nhưng hầu hết những hộ trồng tiêu đều bị thiệt hại do mưa nhiều. Có vườn tiêu bị chết đến 50 trụ. Để khôi phục lại những trụ tiêu đã bị chết, ít nhất người dân cũng phải mất mấy năm.
Chủ quan trong phòng bệnh
Tình trạng cây trồng bị úng nước, nhiễm sâu bệnh tại Khánh Sơn, ngoài nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của thời tiết còn do sự chủ quan của nông hộ. Theo ông Lê Anh Quang, cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình, mấy năm gần đây trên địa bàn huyện Khánh Sơn, mùa mưa không kéo dài và lượng mưa không nhiều nên bà con có tâm lý chủ quan không chủ động phòng chống sâu bệnh cho cây trồng trước mùa mưa. Bên cạnh đó, hầu hết nhà vườn không làm hệ thống thoát nước hoặc phủ bạt hạn chế ngập úng cho cây. Vì thế khi gặp mưa lớn kéo dài như những ngày vừa qua, nhiều vườn cây ăn quả bị thiệt hại là điều khó tránh khỏi.
Theo ông Trần Anh Việt, Phó Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Khánh Sơn, nếu thời tiết tiếp tục diễn biến thất thường thì diện tích cây trồng bị thiệt hại tại các xã, thị trấn sẽ tiếp tục tăng lên, nhất là đối với cây sầu riêng và hồ tiêu. Nhằm hạn chế thiệt hại về diện tích cây trồng của người dân, trong những ngày qua, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện tiến hành kiểm tra thực tế tại một số nhà vườn bị thiệt hại để tìm biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất. “Trước mắt bà con cần thường xuyên thăm vườn hằng ngày để kịp thời phát hiện những cây có dấu hiệu bị sâu bệnh và báo cho cơ quan chuyên môn để có hướng xử lý phù hợp. Đối với những cây sầu riêng, hồ tiêu mới bị bệnh, người dân nên điều trị bằng thuốc Agrifot. Tuyệt đối người dân không nên mua các loại thuốc bán trôi nổi trên thị trường về điều trị hoặc tự ý xử lý những cây bị bệnh không đúng kỹ thuật, tránh tình trạng cây trồng càng bị năng hơn và tốn chi phí đầu tư”, ông Việt khuyến cáo.
Hiện nay, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Khánh Sơn, hầu hết bà con đều có xu hướng mở rộng diện tích canh tác các loại cây ăn quả. Do đó, việc nghiên cứu, hỗ trợ người dân về các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết là điều rất cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại trong quá trình sản xuất của bà con.
Ảnh: Vườn cây ăn quả nhà ông Tuấn bị thiệt hại
Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Khánh Sơn kiểm tra vườn tiêu bị bệnh của nhà ông Phạm Hồng Tuyến.
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn